Giải pháp Máy chủ

Máy Chủ Là Gì? Có Những Loại Máy Chủ Nào?

Ngày 06/12/2019     636
Với sự phát triển vũ bão của công nghệ hiện nay, việc sử dụng cho mình một hệ thống thông tin, hệ thống máy chủ là một việc không thể thiếu đối với các doanh nghiệp, doanh nghiệp nào cũng cần có một hệ thống máy chủ server chuyên dụng để lưu trữ thông tin, lưu trữ dữ liệu của doanh nghiệp và để ứng dụng một số giải pháp hỗ trợ cho sự phát triển của doanh nghiệp. Mỗi hệ thống máy chủ là một nhóm các máy chủ, máy server được kết nối với nhau. Vậy máy chủ là gì?

Máy Chủ Là Gì? Có Những Loại Máy Chủ Nào?

Mục Lục:

1. Máy chủ là gì? Server là gì?
2. Các Loại Máy Chủ Phổ Biến

  • 2.1 Máy chủ riêng (Dedicated Server)
  • 2.2 Máy chủ ảo (Virtual Private Server – VPS)
  • 2.3 Máy chủ đám mây (Cloud Server)
  • 2.4 Máy chủ Web (Web Server)
  • 2.5 Máy chủ Email (Mail Server)
  • 2.6 Máy chủ FTP (FTP Server)
  • 2.7 Máy chủ cơ sở dữ liệu (Database Server)
  • 2.8 Máy chủ DNS (DNS Server)
  • 2.9 Máy chủ DHCP (DHCP Server)

Máy chủ là gì? Server là gì?
Máy chủ (tiếng Anh là server hoặc server computer) là máy tính được thiết kế để xử lý yêu cầu và phân phối dữ liệu đến máy tính khác qua internet hoặc mạng cục bộ.

Máy chủ là một máy tính được kết nối mạng, được đặt IP tĩnh, có hiệu suất xử lý công việc cao. Trên máy tính đó được cài đặt các hệ điều hành hoặc phần mềm chuyên dụng để phục vụ cho các máy con (client) trong cùng hệ thống mạng, hệ thống máy chủ truy cập vào yêu cầu cung cấp dịch vụ hoặc truy xuất tài nguyên, dữ liệu có trên máy chủ.

Về cơ bản máy chủ cũng là một máy tính, nhưng lại được thiết kế, tích hợp thêm những tính năng mạnh mẽ, cùng với khả năng lưu trữ và khả năng xử lý dữ liệu vượt trội hơn so với một chiếc máy tính thông thường.

Hầu hết các mạng máy tính hiện nay đều hỗ trợ từ một cho tới nhiều máy chủ xử lý các tác vụ chuyên biệt. Mạng máy tính càng lớn về mặt người dùng (user) kết nối với nó hoặc lượng dữ liệu được truyền tải, thì càng có nhiều máy chủ đóng vai trò khác nhau, mỗi máy chủ chuyên dụng cho một mục đích xử lý công việc cụ thể.

>> Xem thêm: Linh kiện server là gì? Server có những loại linh kiện nào?

Các Loại Máy Chủ Phổ Biến
Dựa theo phương pháp xây dựng một hệ thống máy chủ server, ta có 3 loại sau:

  1. Máy chủ riêng (Dedicated Server): Máy chủ riêng là một máy chủ server chạy với phần cứng và các thiết bị hỗ trợ chuyên dụng riêng biệt.
  2. Máy chủ ảo (Virtual Private Server – VPS): Máy chủ ảo (VPS) là một loại máy chủ được tạo và cấu hình với việc sử dụng công nghệ ảo hóa phần cứng để phân chia một server máy chủ vật lý thành nhiều máy chủ ảo (VPS) khác nhau trên chính máy chủ vật lý đó. Các máy chủ ảo (VPS) đó có đầy đủ các tính năng tương tự như một máy chủ vật lý bình thường, nhưng máy chủ ảo (VPS) đó được chia sẻ tài nguyên phần cứng từ máy chủ vật lý.

     3. Máy chủ đám mây (Cloud Server): Máy chủ đám mây là một máy chủ server được kết hợp từ nhiều máy chủ vật lý khác nhau với một hệ thống lưu trữ SAN (Storage Area Network), có tốc độ truy xuất nhanh chóng, vượt trội giúp cho máy chủ hoạt động ổn định và giúp hạn chế tối đa tình trạng downtime.

Nếu về phân loại theo chức năng thì ta có những loại máy chủ server phổ biến như:

Máy chủ Web (Web Server)

  • Trên máy chủ này được cài đặt phần mềm chuyên dụng phục vụ cho việc quản trị và lưu trữ website. Máy chủ web hiển thị các trang và chạy ứng dụng thông qua trình duyệt web. Máy chủ mà trình duyệt của bạn được kết nối với ngay bây giờ là một máy chủ web (web server) cung cấp trang này và bất kỳ hình ảnh nào bạn nhìn thấy trên đó.
  • Máy chủ web (web server) được sử dụng cho tất cả mọi thứ ngoài việc cung cấp văn bản và hình ảnh đơn giản, chẳng hạn như để tải lên và sao lưu tập tin, sao lưu file trực tuyến thông qua dịch vụ lưu trữ đám mây (cloud storage service) hoặc dịch vụ sao lưu trực tuyến (online backup service)

Máy chủ Email (Mail Server)

  • Máy chủ email hỗ trợ việc gửi và nhận email. Nếu bạn có ứng dụng email (email client) trên máy tính (vd: Microsoft Outlook, Thunder Bird,…), phần mềm sẽ kết nối với máy chủ IMAP hoặcmáy chủ POP để tải thư xuống máy tính của bạn và máy chủ SMTP sẽ gửi thư trở lại qua máy chủ email.

Máy chủ FTP (FTP Server)

  • Máy chủ FTP hỗ trợ di chuyển các tệp thông qua giao thức truyền tải tập tin (File Transfer Protocol). Các máy chủ FTP có thể truy cập từ xa thông qua các phần mềm FTP chuyên dụng như FileZilla, CuteFTP,…

Máy chủ cơ sở dữ liệu (Database Server)

  • Trên máy chủ server này sẽ được cài đặt phần mềm quản trị cơ sở dữ liệu, giúp cho việc quản lý, xử lý và truy xuất dữ liệu. Các hệ quản trị cơ sở dữ liệu phổ biến và thông dụng như MySQL, Oracle, Microsoft SQL Server,…

Máy chủ DNS (DNS Server)

  • Máy chủ DNS là máy chủ, là hệ thống phân giải tên miền. Mỗi máy tính khi tham gia vào mạng Internet đều có một địa chỉ IP. Nhằm giúp cho việc ghi nhớ và thuận tiện cho việc sử dụng thì ta dùng các tên gọi để xác định máy tính đó trong hệ thống mạng và tên gọi đó gọi chung là Domain Name. Máy chủ DNS có nhiệm vụ phân giải địa chỉ IP thành tên miền (Domain Name) và ngược lại.

Máy chủ DHCP (DHCP Server)

  • DHPC tên đầy đủ là Dynamic Host Configuration Protocol, có nhiệm vụ cấp phát địa chỉ IP cho các thiết bị tham gia vào mạng.

Và còn nhiều máy chủ server khác như Print Server (quản lý việc in ấn trong hệ thống mạng), Application Server (dùng để quản lý và chạy các ứng dụng, phần mềm), Identity Server, Game Server,…