Tin hoạt động VNPT

Hệ sinh thái VnEdu giúp chuyển đổi số ngành giáo dục

Ngày 29/11/2019     682
Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã thực hiện nghiên cứu xu thế và ứng dụng các công nghệ 4.0 vào xây dựng Hệ sinh thái giáo dục thông minh trong việc chuyển đổi số các nghiệp vụ trong nền giáo dục Việt Nam.

Hệ sinh thái VnEdu giúp chuyển đổi số ngành giáo dục

Ngày 22/11/2019 tại Đà Nẵng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức “Hội thảo ứng dụng công nghệ thông tin và tập huấn xây dựng cơ sở dữ liệu trong ngành giáo dục đào tạo” với sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc.

Hội thảo có sự tham dự của đại diện Tổ giúp việc về Chính phủ điện tử của Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử; đại diện lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT); đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT; đại diện lãnh đạo và chuyên viên 63 sở GDĐT; đại diện Ban giám hiệu và Khoa CNTT các cơ sở đào tạo đại học có khoa CNTT; một số nhóm nghiên cứu trong lĩnh vực CNTT; các doanh nghiệp có giải pháp ứng dụng CNTT trong GD&ĐT.

Tại hội thảo, đại diện Tập đoàn VNPT ông Nguyễn Hồng Nghi - Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Điện tử thuộc Công ty Công nghệ thông tin VNPT đã trình bày về “Hệ sinh thái giáo dục thông minh vnEdu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”. Nền cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ kéo theo sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng công nghệ như AI, Big Data, Robotics, AVR, Internet of Things… Việc ứng dụng các công nghệ này vào trong các lĩnh vực y tế, du lịch, giáo dục... đang mang lại nhiều thách thức cũng như cơ hội cho các cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường thay đổi phương pháp tiếp cận truyền thống sang phương pháp tiên tiến, hiện đại và mang lại hiệu quả cao.

Trong bối cảnh đó, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã thực hiện nghiên cứu xu thế và ứng dụng các công nghệ 4.0 vào xây dựng Hệ sinh thái giáo dục thông minh trong việc chuyển đổi số các nghiệp vụ trong nền giáo dục Việt Nam. Qua quá trình triển khai hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin cho lĩnh vực giáo dục trên địa bàn 63 tỉnh/TP. VNPT nhận thấy có 03 vấn đề chính mà Bộ/ Sở Giáo dục và Đào tạo đang gặp phải.

Thứ nhất, chưa có nền tảng (platform) để triển khai các dịch vụ thông minh và kết nối giữa các ứng dụng; Thứ hai, chưa có khung ứng dụng Chính quyền điện tử (CQĐT) tổng thể toàn ngành và liên thông với các hệ thống Chính phủ điện tử (CPĐT). Việc phát triển tự phát, không theo quy chuẩn, dẫn đến việc khó khăn trong việc liên thông và tích hợp các sản phẩm dịch vụ. Và thứ ba đó là dữ liệu phân tán, chưa tập trung; khó khăn trong việc giám sát, thống kê, báo cáo.

Từ các lý do trên, Tập đoàn VNPT đã xây dựng hệ sinh thái giáo dục thông minh dựa trên khung kiến trúc chính phủ điện tử Việt Nam do Bộ thông tin truyền thông ban hành. Hệ sinh thái giáo dục vnEdu được phát triển hơn 10 năm qua đã đạt được một số thành tựu nhất định.

Nhằm cải thiện, tối ưu hệ thống và bắt kịp với các xu thế công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, VNPT đã nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ này để nâng cấp hiên bản hiện tại lên vnEdu 4.0. Trong đó, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ Cloud Computing, Big Data, AI, Blockchain… trong các bài toán ứng dụng nghiệp vụ giáo dục cụ thể như: Hệ thống quản lý thông tin nhà trường; Phần mềm quản lý dinh dưỡng; Hệ thống quả lý thu phí tích hợp hóa đơn điện tử; cổng thông tin học liệu và thi trực tuyến tùy biến; phần mềm kiểm định giáo duc; trung tâm điều hành giáo dục, hệ thống điểm danh điện tử sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo; Hệ thống quản lý văn bằng chứng chỉ sử dụng công nghệ BlockChain.

Với việc Cục CNTT - Bộ Giáo dục và Đào tạo và Công ty Công nghệ thông tin VNPT- Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) ký thỏa thuận hợp tác về đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong giáo dục và đạo tạo giai đoạn 2019-2024, hệ sinh thái giáo dục thông minh vnEdu sẽ được triển khai và phát huy hiệu quả trên toàn quốc, phục vụ công tác quản lý và điều hành thống nhất cơ sở giáo dục từ Sở đến phòng và trường; xây dựng cơ sỏ dữ liệu ngành về giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông đáp ứng quy định kỹ thuật được ban hành tại quyết định 1904/QĐ-BGDĐT ngày 04/07/2019.