Tin hoạt động VNPT

Chủ tịch VNPT mong muốn Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt đề án cổ phần hóa

Ngày 22/12/2017     1045
Chủ tịch VNPT mới đưa ra kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt Đề án tái cơ cấu tập đoàn VNPT, việc sớm được phê duyệt Đề án này là cơ sở quan trọng để VNPT thực hiện cổ phần hóa vào năm 2019.

Chủ tịch VNPT mong muốn Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt đề án cổ phần hóa

Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Bộ TT&TT vào sáng 22/12/2017, ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch hội đồng thành viên Tập đoàn VNPT đã đưa ra kiến nghị: Mong muốn Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt Đề án tái cơ cấu lại Tập đoàn VNPT, cũng như phê duyệt Chiến lược phát triển VNPT đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Việc sớm được thông qua Đề án tái cơ cấu VNPT và tầm nhìn chiến lược có vai trò rất quan trọng để VNPT có thể hoàn thành cổ phần hóa vào năm 2019. Ông Trần Mạnh Hùng cho hay, Đề án Tái cơ cấu VNPT đã được Bộ TT&TT trình lên Thủ tướng Chính phủ  và VNPT rất mong muốn Đề án này sẽ được Thủ tướng xem xét phê duyệt trong thời gian sớm nhất.

Ông Hùng cũng cho hay, năm 2018 được xác định là năm bản lề của Tập đoàn trong giai đoạn phát triển đến năm 2020 và triển khai tầm nhìn chiến lược đến năm 2030, trong năm 2018 Tập đoàn VNPT quyết tâm sẽ triển khai có hiệu quả nhiệm vụ cổ phần hóa công ty mẹ.

Báo cáo tại Hội nghị, ông Trần Mạnh Hùng cho biết, năm 2017, VNPT đã nhận được sự chỉ đạo quan tâm sát sao của Bộ TT&TT đặc biệt là trong lĩnh vực roaming quốc tế và triển khai cơ cấu lại VNPT, nhờ có sự chỉ đạo này đã giúp VNPT tổ chức đổi mới hoạt động công ty mẹ, hoàn thành suất sắc nhiệm vụ của mình.

Trong năm qua, VNPT đã thực hiện đổi mới mô hình quản lý doanh nghiệp theo mô hình quốc tế, công tác điều hành, cơ chế điều hành theo tầm quốc tế. VNPT đã cùng hãng tư vấn Deloitt xây dựng chiến lược phát triển đến 2020 tầm nhìn 2030, trong đó nhấn mạnh về quản trị nguồn nhân lực hiện đại, VNPT đầu tư phát triển mạnh mẽ nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên số. VNPT đã hoàn thành ban hành quy chế về quản trị tài năng, xây dựng quy chế quản trị rủi ro trong tập đoàn, tích hợp sớm quy chế quản trị rủi ro trong các hoạt động của tập đoàn.

Việc áp dụng công cụ quản trị doanh nghiệp hiện đại đã phát huy hiệu quả trong hoạt động điều hành, quản lý sản xuất kinh doanh của VNPT, Tập đoàn VNPT đã phân quyền chủ động tối đa cho các đơn vị, tập đoàn chỉ giám sát, hiệu quả được đánh giá thông qua quản trị mục tiêu.

Năm 2017, VNPT đạt mức lợi nhuận đạt hơn 5.000 tỷ đồng tăng hơn 20% so với năm 2016, là năm thứ tư liên tiếp đạt lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước trên 20%. Năm 2017 cũng là năm VNPT phát triển mạnh thuê bao băng rộng tăng 4 triệu thuê bao, VNPT đã thay thế hầu hết mạng cáp đồng bằng cáp quang, thuê bao cáp quang băng rộng đã được cung cấp tới tận cấp xã.

VNPT đã nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ khách hàng, rút ngắn thời gian cung cấp dịch vụ và xử lý sự cố cho khách hàng cá nhân rút ngắn còn 1 ngày, thời gian xử lý sự cố sau báo hỏng rút ngắn hơn 6 giờ, tỷ lệ cam kết với khách hàng doanh nghiệp tăng 13%, tỷ lệ hài lòng khách hàng tăng 6%.

Các đơn vị công nghiệp của VNPT đã cung cấp thiết bị, sản phẩm cho các thị trường Lào, Myanmar, tỷ lệ nội địa hóa các thiết bị trên toàn mạng viễn thông của VNPT đạt hơn 80%.

VNPT đã thành lập doanh nghiệp liên doanh tại Myanmar chuẩn bị triển khai cung cấp dịch vụ viễn thông và CNTT tại thị trường này, việc hợp tác với các doanh nghiệp lớn của quốc tế đã giúp VNPT tiếp cận giải pháp CNTT tiên tiến trên thế giới.

Theo báo cáo của Bộ TT&TT, năm 2017 các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh của Tập đoàn VNPT đều hoàn thành vượt mức kế hoạch do Bộ TT&TT giao. Năng lực tài chính tiếp tục được tăng cường, nguồn vốn được bảo toàn và phát triển. Tổng lợi nhuận ước đạt 5.010 tỷ đồng, đạt 105,6% kế hoạch tăng 21% so với thực hiện năm 2016. Tổng doanh thu ước đạt 144.747 tỷ đồng, đạt 100,7% kế hoạch, tăng 7% so với thực hiện năm 2016. Tổng nộp ngân sách nhà nước năm 2017 ước đạt 4.116 tỷ đồng, đạt 105,4% kế hoạch, tăng 9,3% so với thực hiện năm 2016. Tổng số thuê bao điện thoại đến cuối năm 2017 đạt 34,1 triệu thuê bao, trong đó thuê bao di động VinaPhone đạt 31,07 triệu thuê bao. Tổng số thuê bao Internet băng rộng đến cuối năm 2017 đạt 4,6 triệu thuê bao, tăng 1.832.000 thuê bao so với năm 2016.

Năm 2017, VNPT tiếp tục đẩy mạnh thực hiện triển khai tái cấu trúc toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ viễn thông – CNTT – truyền thông theo mô hình 3 lớp “Dịch vụ - Hạ tầng – Kinh doanh’ và phân công công đoạn từng đơn vị thành viên với nguyên tắt “chuyên biệt – khác biệt – hiệu quả”, triển khai áp dụng mô hình tổ chức quản trị hiện đại của các doanh nghiệp viễn thông – CNTT quốc tế - eTOM. VNPT đã đẩy mạnh phát triển mạng lưới, mở rộng vùng phủ sóng dịch vụ thông tin động và nâng cao chất lượng dịch vụ, năng lực cạnh tranh và thực hiện phát triển bền vững. Năm 2017, VNPT đã phát triển thêm 19.000 trạm BTS, bao gồm cả 2G, 3G và 4G, nâng số trạm BTS trên toàn mạng đến cuối năm 2017 là 74.628 trạm, phát triển 52.066km cáp quang.

VNPT đã hoàn thành chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định theo kế hoạch của Bộ TT&TT, đang thực hiện đề án cung cấp dịch vụ chuyển mạng di động giữ nguyên số thuê bao MNP theo quyết định của Bộ TT&TT. VNPT đang tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh nghiên cứu, triển khai kinh doanh các dịch vụ, giải pháp CNTT, dịch vụ giá trị gia tăng nhằm chiếm lĩnh thị trường. Xây dựng và triển khai rộng rãi các giải pháp Chính phủ điện tử tới 61 tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó 5 tỉnh, thành phố đã triển khai 100% đến cấp xã, phường, đã cung cấp phần mềm quản lý văn bản và điều hành (VNPT-eOffice) cho hơn 8.000 đơn vị (tăng gấp 4 lần so với năm 2016), phần mềm một cửa điện tử (VNPT-iGate) cung cấp cho gần 1.500 đơn vị (tăng gấp 3 lần so với năm 2016), cổng thông tin điện tử (vnPortal) cung cấp cho trên 2.400 đơn vị (tăng 1,2 lần so với năm 2016), phần mềm khám chữa bệnh VNPT-HIS cung cấp cho 7.300 cơ sở y tế (tăng 300 cơ sở), phần mềm giao dục (vnEdu) có 12.000 trường học sử dụng, cung cấp hơn 2,4 triệu sổ liên lạc điện tử (tăng gấp 2 lần), gần 5 triệu hồ sơ học sinh (tăng 1,2 triệu), cùng hơn 650.000 giáo viên sử dụng trên cả nước.

 

Khôi Nguyên