0 Cart
Tin Dịch vụ VNPT

Tập đoàn VNPT nỗ lực phát triển, xây dựng hạ tầng số hiện đại

Date 16/02/2024     234
Với chiến lược trở thành tập đoàn công nghệ, Tập đoàn VNPT đã và đang tập trung phát triển hạ tầng số, đây là một trong những động lực giúp VNPT tiếp tục khai phá cơ hội, tạo sự đột phá và sức lan toả cho các dự án, giải pháp, dịch vụ số trong thời gian tới...

Tập đoàn VNPT nỗ lực phát triển, xây dựng hạ tầng số hiện đại

A- TRUNG TÂM DỮ LIỆU LÀ "XƯƠNG SỐNG" CỦA NỀN KINH TẾ SỐ

1- Phát triển và xây dựng cơ sở hạ tầng số quốc gia đồng bộ, hiện đại phục vụ Chính phủ số là xu hướng của nhiều quốc gia tại thời điểm này. 

- Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ rõ quan điểm và nhấn mạnh về tính thiết yếu và bắt buộc của hạ tầng số, là hạ tầng quan trọng của nền kinh tế số.

- Bộ TT&TT cũng đang xây dựng dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt Chiến lược Hạ tầng số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 nhằm đưa hạ tầng số của Việt Nam phát triển cùng nhịp với các nước phát triển trên thế giới, thành động lực phát triển nền kinh tế.

2- Bên cạnh việc phát triển hạ tầng mạng, phần quan trọng nhất của hạ tầng số là điện toán đám mây (cloud) và trung tâm dữ liệu (Data Center). 

- Trung tâm dữ liệu được coi là "trái tim" của Internet và là "xương sống" của nền kinh tế số, đóng vai trò quan trọng trong việc lưu trữ, xử lý và quản lý lượng dữ liệu khổng lồ, cung cấp sức mạnh cho thế giới số hiện đại, giúp quá trình chuyển đổi số diễn ra thuận lợi và thành công.

- Với quan điểm Trung tâm dữ liệu là "xương sống" của nên kinh tế số, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã tiên phong, dẫn đầu về hạ tầng số tại Việt Nam, đã xây dựng, vận hành 8 trung tâm IDC trên toàn quốc và các IDC vệ tinh tại các tỉnh, thành phố, phục vụ chuyến đổi số tại địa bàn. 

- Các IDC của VNPT đều được trang bị thiết bị hiện đại và đồng bộ của Mỹ và châu Âu; được vận hành bởi đội ngũ kỹ sư, chuyên gia CNTT hàng đầu tại Việt Nam và đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe trong nước và quốc tế; thể hiện khát vọng của VNPT trong việc cung cấp dịch vụ dữ liệu với tiêu chuẩn an toàn, bảo mật hàng đầu cùng một hệ sinh thái toàn diện về hạ tầng số với 4 trụ cột IDC, Cloud, Truyền dẫn và an toàn thông tin.  

3- Ngày 25/10/2023, Tập đoàn VNPT đã chính thức khai trương Trung tâm dữ liệu (IDC) thứ 8 tại khu công nghệ cao Hoà Lạc.  Đưa vào vận hành, khai thác IDC Hòa Lạc - đây là IDC lớn nhất và hiện đại nhất của VNPT tới thời điểm hiện tại, và có nhiều ưu thế vượt trội trên thị trường.

- VNPT hiện là một trong 4 nhà cung cấp IDC đạt tiêu chuẩn Uptime TCCF. Khác với tiêu chuẩn uptime Tier Certification Design Documents (TCDD) chỉ có giá trị 2 năm, Uptime TCCF là chứng chỉ được cấp 1 lần, có giá trị vĩnh viễn, đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, được chuyên gia của Uptime' trực tiếp kiểm tra, đánh giá hệ thống, với tiêu chuẩn uptime Tier III. Độ ổn định hệ thống đạt 99,98%. Với diện tích sàn lên tới 23.000m2 và quy mô 2.000 tủ rack, thiết bị cao cấp đến từ các hãng G7 đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế về an toàn và bảo mật mức độ cao.

- Hệ thống kiểm soát an ninh bao gồm 6 lớp hiện đại, thông minh, đảm bảo an ninh một cách tối đa ngay từ khu vực cổng vào tới khu vực dữ liệu khách hàng riêng biệt. Ứng dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt vnface với mức độ chính xác 99,99%. Camera giám sát 24/24, có khả năng loại bỏ các điểm mù, hệ thống chống xâm nhập cũng được tuân thủ nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn quốc tế. Hệ thống hạ tầng của IDC Hòa Lạc đều có sự phòng N+1, cho phép thực hiện sửa chữa, bảo trì mà không gây ra bất kỳ sự cố gián đoạn nào, đảm bảo Data Center được vận hành an toàn và liên tục.

- Việc khai trương IDC Hòa Lạc là minh chứng cho khát vọng của VNPT trong việc đồng hành cùng chính phủ xây dựng hạ tầng số hiện đại, đạt chuẩn quốc tế để dữ liệu Việt Nam được lưu trữ và xử lý tại Việt Nam theo định hướng của Chính phủ và Bộ thông tin Truyền thông. Đó là mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 100% cơ quan chính phủ, 70% doanh nghiệp sử dụng điện toán đám mây của đơn vị trong nước.

B- PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG MẠNG DI ĐỘNG GÓP PHẦN THÚC ĐẨY CHUYỂN ĐỔI SỐ QUỐC GIA

Trong năm 2023, Tập đoàn VNPT đã không ngừng nâng cấp hạ tầng băng rộng di động 4G, mở rộng vùng phủ sóng bằng việc phát triển cơ sở hạ tầng mới kết hợp các giải pháp công nghệ, kỹ thuật và tối ưu chất lượng mạng lưới..

1- Nói đến Hạ tầng số - Nên tảng phát triển Kinh tế số, Xã hội số không thể không nói đến hạ tầng mạng di động băng rộng. 

- Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2023, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành đặt ra mục tiêu đến năm 2025 phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh để phát triển xã hội số và thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp; trong đó có: xây dựng, phát triển hạ tầng băng rộng chất lượng cao trên toàn quốc; quy hoạch lại băng tần, phát triển hạ tầng mạng 5G, nâng cấp mạng di động 4G... để phát triển hạ tầng số.

- Thực hiện nhiệm vụ chính trị đã được Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) chỉ đạo cũng như nhiệm vụ phát triển sản xuất kinh doanh, trong năm 2023, Tập đoàn VNPT đã không ngừng nâng cấp hạ tầng băng rộng di động 4G, mở rộng vùng phủ sóng bằng việc phát triển cơ sở hạ tầng mới kết hợp các giải pháp công nghệ, kỹ thuật và tối ưu chất lượng mạng lưới.

- Các giải pháp đã mang lại hiệu quả cao khi mạng di động VinaPhone được công bố là mạng có tốc độ nhanh nhất Việt Nam trong 3 quý liên tiếp năm 2023 theo công bố kết quả đo kiểm mới nhất của SpeedTest. Thông tin này được công bố chính thức trên website Speedtest.net của Tổ chức Ookla, đơn vị đo kiểm tốc độ di động và Internet lớn trong việc nâng cao tốc độ mạng băng rộng di động của Việt Nam.

2- Bên cạnh những kết quả đã đạt được về việc nâng cao tốc độ băng rộng di động, một mục tiêu khác cũng đang được Tập đoàn VNPT thúc đẩy đó là triển khai kế hoạch tắt sóng công nghệ cũ 2G và chuyển đổi điện thoại thông minh cho khách hàng theo định hướng, chủ trương của Bộ TT&TT để tiết kiệm chi phí vận hành mạng lưới, dành băng tần số vô tuyến điện, hạ tầng kỹ thuật cho các công nghệ di động tiên tiến 4G, chuẩn bị cho kế hoạch triển khai thương mại 5G, thực hiện mục tiêu chương trình chuyển đổi số quốc gia.

- Ngay từ năm 2021, Tập đoàn VNPT đã chủ động kế hoạch tắt dần các trạm 2G có thuê bao và lưu lượng thấp để tối ưu công tác vận hành, khai thác mạng lưới và chuẩn bị cho lộ trình dừng hoàn toàn công nghệ 2G.

- Kết quả, từ năm 2021 đến nay, VNPT đã thực hiên tắt được hơn 2.500 trạm 2G. Ngoài ra, Tập đoàn VNPT đã triển khai các chương trình thúc đẩy chuyển đổi smartphone cho khách hàng bằng các giải pháp như tặng máy, trợ giá máy cho khách hàng cùng gói cước ưu đãi, truyền thông khách hàng chủ động chuyển đổi. Kết quả, từ năm 2021 đến nay, tổng số đầu cuối thuê bao dã chuyển đổi từ 2G sang 4G là khoảng 2,3 triệu thuê bao, bao gồm cả chuyển đổi từ chương trình do VNPT triển khai và chuyển đổi tự nhiên từ nhu cầu khách hàng.

- Trong thời gian tới, cùng với việc triển khai chương trình viễn thông công ích đã được Bộ TT&TT hướng dẫn thực hiện, cụ thể là trợ giá điện thoại thông minh 500 ngàn đồng/ máy cho các thuê bao di động thuộc đối tượng viễn thông công ích theo quy định của Bộ TT&TT, VNPT sẽ chủ động, tiếp tục thực hiện các giải pháp chuyển dổi đầu cuối thuê bao 2G cho khách hàng sang smartphone 4G/5G; thực hiện biện pháp mạnh mẽ là ngăn chặn các máy 2G only bất hợp pháp theo chỉ đạo của Bộ TT&TT; tăng cường vùng phủ 4G để bù vùng phủ sóng và thực hiện tắt sóng 2G theo lộ trình, kế hoạch đã cam kết, báo cáo Bộ TT&TT.

3- Để triển khai thành công kế hoạch dừng công nghệ 2G theo lộ trình, Tập đoàn VNPT đề xuất, kiến nghị với Bộ TT&TT hỗ trợ một số nội dung.

- Một là, Bộ TT&TT truyền thông rộng rãi, thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng về định hướng, lộ trình kế hoạch tắt sóng 2G góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chương trình đến khách hàng và thúc đẩy khách hàng chuyển đổi đầu cuối di động 2G sang điện thoại thông minh.

- Hai là, Bộ TT&TT tổ chức kiểm tra, thanh tra việc tuân thủ Thông tư số 43/2020/TT-BTTTT ngày 31/12/2020 ban hành “quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị đầu cuối thông ti di động mặt đất - phần truy nhập vô tuyến” để giảm thiểu thiết bị đầu cuối 2G trên thị trường. Bộ TT&TT hỗ trợ, có thông báo đến các đơn vị sử dụng thiết bị đầu cuối 2G M2M/loT trong hoạt động nghiệp vụ (ngân hàng, điện lực...) về định hướng chuyển đổi đầu cuối, tắt sóng công nghệ cũ 2G để các đơn vị có lô trình, kế hoach chủ động chuyển đổi thiết bị.

- Ba là, khi dừng công nghệ 2G, VNPT phải triển khai kế hoạch đảm bảo vùng phủ sóng 4G/3G để bù vùng phủ sóng 2G. Để thực hiện việc này, VNPT kiến nghị Bộ TT&TT sửa đổi, bổ sung triển khai công nghệ 4G trên băng tần 900MHz.
__
Tin bài: VNPT
Tổng hợp: Phạm Phú Thịnh